(Thế kỷ II và IV)
Cơ đốc nhân ở thế kỷ thứ hai và thứ ba phải đánh trận, mà mọi nhà chiến lược đều cố gắng tránh—một trận đánh trên hai chiến tuyến. Đang khi hội thánh phải tranh chiến để bảo tồn sự sống còn của mình trước những nỗ lực của chính quyền La mã nhằm tiêu diệt họ, họ còn phải tranh chiến để bảo vệ sự thuần khiết của giáo lý bên trong hội thánh. Nhiều người quay về tiếp nhận Đấng Christ, hoặc ra từ bối cảnh sự cứu rỗi bởi việc làm của Do thái, hoặc từ môi trường của tri thức triết lý Hi lạp. Trong khi hội thánh chưa có thể dạy dỗ cho họ đầy đủ và đúng đắn, đa số những tân tín hữu nầy có khynh hướng đem những ý kiến ngày trước của họ, vào môi trường mới. Người khác cố gắng biến cơ đốc giáo trở nên có vẻ " đáng trân trọng về mặt tri thức trước mặt những tầng lớp thượng lưu trong đất nước". Mối đe dọa từ những sự xuyên tạc cơ đốc giáo theo cách duy luật hay theo triết lý là mối đe dọa rất thực tế trong hội thánh thuộc kỷ nguyên nầy. Có trường hợp những lãnh tụ quá sốt sắng, đã triển khai lối giải nghĩa nào đó để sửa trị những điều ác có thật, hoặc do tưởng tượng ra trong hội thánh, và có nhiều người đi theo những ý kiến tà giáo của họ, cho đến chừng cuối cùng những tà giáo tạo nên những cuộc ly giáo, và những cuộc ly giáo đã làm xuất hiện những giáo phái mới.
I NHỮNG TÀ GIÁO DUY LUẬT:
Chắc người ta nghĩ quyết định của giáo hội nghị tại Jerusalem để buông tha người ngoại bang khỏi những đòi hỏi của luật pháp Do thái về lễ nghi và nghi thức, để làm những điều kiện cho sự cứu rỗi, đã là quyết định chung quyết rồi. Tuy nhiên, những người từ Do thái giáo quay về tin Chúa, khi nhìn lại độc thần giáo, rồi nghĩ đến Đấng Christ và sự cứu rỗi, thì họ có khuynh hướng pha trộn đức tin với di sản Do thái của mình. Hơn nữa, những nhóm Ebionites vẫn bám tại Palestine và những quốc gia lân cận, trong khoảng thời gian sau khi chính quyền La mã đàn áp cuộc nổi loạn của người Do thái dưới quyền lãnh đạo của Bar Kochba, giữa năm 132 và 135. Những người nầy nhấn mạnh sự hiệp nhất của Đức Chúa Trời và quyền sáng tạo vũ trụ của Ngài. Họ tin luật pháp Do thái là biểu hiện cao nhất về ý muốn của Ngài và vẫn còn ràng buộc trên con người. Họ tin Chúa Jesus là con trai của Giô-sép, có được thần tính khi Đức Thánh Linh giáng trên Ngài lúc chịu báp têm. Do đó, họ ủng hộ những sự dạy dỗ của sách Tin lành Mathio, nhưng không thích các tác phẩm của Phao-lô. Họ quả quyết cơ đốc nhân người ngoại bang cũng như Do thái đều vẫn bị ràng buộc bởi luật của Môi-se, và không được cứu rỗi nếu không chịu phép cắt bì và giữ luật pháp Môi-se. Sau khi người La mã phá hủy Jerusalem vào năm 135, họ không còn tạo được nhiều ảnh hưởng nữa.; nhưng sự tồn tại và những tín lý của họ cho thấy là hội thánh phải liên tiếp chiến đấu cho nguyên tắc "đức tin nơi một mình Đấng Christ mà thôi, mới xưng công bình cá nhân ấy trước mặt Đức Chúa Trời".
II. NHỮNG TÀ GIÁO VỀ TRIẾT LÝ:
A. Trí Huệ Giáo:
Mối đe dọa còn lớn hơn nữa đến sự thuần khiết giáo lý của đức tin cơ đốc đến từ triết lý Hi lạp. Trong số người trở về với cơ đốc giáo, người ngoại bang đông hơn người Do thái. Giữa vòng những người nầy có rất nhiều triết gia muốn pha trộn cơ đốc giáo với triết lý hay muốn khoác cho triết lý ngoại giáo một lớp áo cơ đốc.
Trí huệ giáo, mối đe dọa lớn nhất trong những mối đe dọa thuộc triết lý, đạt đến đỉnh cao vào khoảng năm 150. Cội nguồn của thuyết nầy có từ thời Tân ước. Dường như Phao-lô tranh chiến với hình thức phôi thai của Trí huệ thuyết trong thơ gởi cho người Cô-lô-se. Truyền khẩu cơ đốc liên hệ nguồn gốc của Trí huệ thuyết với Simon Magus, là người đã bị Phi-e-rơ quở trách cách nghiêm khắc ở Sa-ma-ri, khi Si môn dùng tiền mua ân tứ Đức Thánh Linh.
Trí huệ thuyết xuất phát từ lòng khao khát tự nhiên của con người muốn tạo ra một nền thần lý học (theodicy), tức sự giải nghĩa về nguồn gốc của điều ác.Vì cớ Trí huệ phái liên kết vật chất với điều ác, nên họ tìm cách tạo ra một hệ thống triết lý trong đó Đức Chúa Trời là Thần linh có thể không liên hệ gì với điều ác, và trong đó con người có thể liên hệ được với Thần dựa trên khía cạnh tâm linh của bản tánh mình. Đây cũng là một hệ thống luận lý hay hệ thống lý luận, minh họa khuynh hướng của con người tìm những câu giải đáp cho những thắc mắc lớn về nguồn gốc của con người. Hệ thống nầy tìm cách thực hiện điều đó bằng cách tổng hợp cơ đốc giáo với triết lý Hi lạp. Trí huệ phái, cũng giống như người Hi lạp trong 11 chương đầu của sách 1 Corinhto, đã cậy sự khôn ngoan của loài người để tìm cách hiểu những đường lối của Đức Chúa Trời đối với con người, và tránh né điều, mà dường như họ cho là sự hổ nhục của thập tự giá. Nếu phái Trí huệ thành công, cơ đốc giáo ắt hẳn chỉ là một tôn giáo triết lý khác nữa trong thế giới thời cổ.
Khám phá từ gần 1000 trang sách về Trí huệ giáo của Ai cập và của Syria tại Nag Hammadi, ở thượng Ai cập vào năm 1946, cho chúng ta biết vài ý tưởng về giáo lý của họ. Nhị nguyên luận là một trong những tín lý chính của họ. Trí huệ giáo khăng khăng đòi có sự phân rẽ rõ ràng giữa thế giới vật chất và tinh thần, vì đối với họ, vật chất luôn luôn liên kết với điều ác và tinh thần luôn liên kết với điều thiện. Vì vậy, Đức Chúa Trời không thể là Đấng sáng tạo thế giới vật chất nầy.
Khoảng cách giữa Đức Chúa Trời với vật chất được nối liền bởi ý kiến về một Thần Hóa Công (demiurge), là nhân vật thuộc một trong những loạt lưu xuất xuống từ vị thần cao cả của Trí huệ thuyết. Những sự lưu xuất nầy là những hữu thể càng ngày chứa càng ít thần linh và càng chứa nhiều vật chất hơn. Thần Hóa công, vì là một trong những sự lưu xuất nầy, có đủ thần linh trong mình để có quyền năng sáng tạo và có đủ vật chất để tạo ra thế giới vật chất của điều ác. Trí huệ giáo xác định Thần Hóa Công nầy chính là Giê hô va của Cựu ước, là Đấng mà họ hết sức căm ghét.
Để giải thích về Đấng Christ, họ nhận một tín lý được gọi là Hình Như thuyết (Docetism). Vì vật chất là xấu, nên Đấng Christ không thể liên hệ với một thân thể của con người, cho dù sự dạy dỗ của Kinh thánh trái với ý đó. Đấng Christ là thần linh tốt lành tuyệt đối, nên không thể liên hiệp với vật chất. Hoặc con người Jesus là một bóng ma, hiện ra với hình trạng có vẻ như thân thể vật chất (Hình như thuyết), hoặc Đấng Christ giáng trên thể xác con người của Jesus chỉ trong một thời gian ngắn-- giữa lúc làm báp-têm cho con người Jesus, với lúc khởi sự chịu thương khó của người trên thập tự giá. Lúc đó Christ lìa khỏi con người Jesus, để con người Jesus chết trên thập tự giá. Công tác của Christ chính là dạy về sự hiểu biết đặc biệt để giúp con người tự cứu mình, bởi tiến trình của tri thức.
Sự cứu rỗi, là điều chỉ dành cho linh hồn hay phần tâm linh của con người, có thể bắt đầu từ đức tin, nhưng theo Trí Huệ phái, sự hiểu biết đặc biệt (mà Đấng Christ ban cho giới ưu tú) còn ích lợi hơn nhiều trong tiến trình cứu rỗi linh hồn. Vì thân thể là vật chất và đã được định để phải từ bỏ đi, nên có thể kiểm soát bằng cách đặt dưới những lề lối khổ tu nghiêm khắc, hoặc có thể phó mặc vào sự buông tuồng trụy lạc. Chỉ có những người Trí Huệ Linh ( pneumatic Gnostics – là những người có sự hiểu biết bí truyền) và nhóm Trí Huệ Hồn (những người có đức tin nhưng không có được sự hiểu biết) mới được đến thiên đàng. Nhóm người Trí Huệ Thể (vật chất) sẽ không bao giờ hưởng được tình trạng thiên đàng, vì đã bị định cho sự hư mất đời đời. Không có chỗ nào cho sự sống lại của thân thể.
Không phải giữ các thánh lễ, bởi vì chúng bao gồm rượu bánh bằng vật chất, là những thứ liên kết với điều ác.
Đừng để phần mô tả nầy về những tín lý chính có chung của Trí Huệ phái khiến ta nghĩ lầm về sự tồn tại của vô số phái Trí huệ với những giáo lý đặc biệt của riêng mỗi phái. Ngay cả đọc sơ sài quyển sách đầu trong bộ Against Heresies (Chống các tà giáo) của Irenaeus cũng cho độc giả thấy có biết bao nhiêu nhóm và biết bao nhiêu ý kiến khác nhau của họ. Saturninus lãnh đạo trường phái Trí Huệ thuyết ở Syria, còn tại Ai cập, Basilides lãnh đạo một trường phái khác. Marcion và những môn đồ của ông dường như là nhóm có ảnh hưởng nhất, mà một số người cho là có liên kết với Trí Huệ thuyết.
Marcion rời quê hương Pontus của mình vào khoảng năm 140 để đi đến Rô-ma. Tại đó, ông bắt đầu có ảnh hưởng trong hội thánh Rô-ma. Ông cảm thấy Do-thái giáo là ác, nên do đó ghét luôn Kinh thánh Do thái và Giê-hô-va được mô tả trong đó. Ông lập bộ kinh điển riêng của mình, gồm có sách Lu ca đã bị cắt xén bớt, và 10 thư tín của Tân ước. Dầu công việc làm ăn khiến ông giàu có, đủ để có thể thành nguồn trợ giúp thực sự cho hội thánh Rô-ma, nhưng Marcion đã bị hội thánh trục xuất vì cớ giữ theo ý như thế. Bấy giờ, ông thành lập hội thánh của riêng mình. Hội giữ theo nhị nguyên luận của Trí Huệ giáo, vốn chối bỏ Đức Chúa Trời của Cựu ước, để lấy vị thần đầy tình yêu, được bày tỏ trong Jesus. Hội nầy cũng chấp nhận bộ kinh điển Kinh thánh Marcion.
Việc phê bình Trí Huệ giáo từ quan điểm Kinh thánh sẽ nhanh chóng làm sáng tỏ rằng hội thánh đã khôn ngoan chống lại giáo lý nầy. Giáo lý nầy thừa nhận có hai vị thần, là Đức Chúa Trời ác của Cựu ước, để sáng tạo và Đức Chúa Trời thiện để cứu chuộc. Do đó, giáo lý nầy làm thỏa mãn thuyết bài trừ Do thái trong hội thánh. Giáo lý nầy cũng bác bỏ thực tại về nhân tánh, sự chết hi sinh, và sự sống lại trong thể xác của Đấng Christ, mà Giăng tuyên bố Ngài ngự giữa chúng ta để bày tỏ vinh hiển của Đức Chúa Trời (Giăng 1:14). Chẳng lấy gì làm lạ, trong bức thơ gởi cho hội thánh Cô-lô-se, Phao-lô khẳng định sự đầy trọn của Đức Chúa Trời ở trong Đấng Christ ( Col. 1:19; 2:9). Trí Huệ giáo làm thỏa mãn lòng kiêu ngạo thuộc linh với lối đề nghị rằng chỉ có một nhóm quí tộc ưu tú mới được hưởng những vui thỏa, do được ở cùng Đức Chúa Trời trên thiên đàng. Thuyết nầy không dành chỗ cho thân thể con người trong cuộc sống tương lai. Về khía cạnh nầy, Trí huệ thuyết tương tự với lối suy nghĩ của thần thoại và triết lí Hi lạp, ở chỗ cũng không có tương lai cho thân thể con người ngoài đời nầy. Chủ nghĩa khổ tu của nó là yếu tố góp phần vào phong trào khổ tu Trung cổ mà chúng ta gọi là chủ nghĩa tu viện.
Tuy nhiên, thuyết nầy vô tình góp phần làm phát triển hội thánh. Khi Marcion thành lập bộ kinh điển kinh Thánh Tân ước của mình, hội thánh buộc phải tự binh vực để chú ý đến nan đề: sách nào phải được xem là kinh điển để bởi đó có thẩm quyền cho giáo lý và cuộc sống. Sự phát triển một bài tín điều ngắn để kiểm nghiệm tính chính thống,, đã được xúc tiến nhanh, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Uy thế của giám mục được nâng cao bằng cách nhấn mạnh chức vụ của ông là trung tâm của sự hiệp một cho kẻ tin, chống tại tà giáo. Điều nầy dẫn đến sự dấy lên đến địa vị nổi bật của giám mục tại La mã. Những nhà luận chiến như Tertullian, Irenaeus và Hippolytus đã tranh luận bằng văn chương để bác bỏ các ý tưởng của Trí Huệ thuyết và của Manicheeus, đã tái xuất hiện trong các giáo lý của phái Paulicans ở thế kỷ thứ bảy, phái Bogomils Bulgarian ở thế kỷ mười một, và phái Albigenses sau này tại miền nam nước Pháp.
B. Tà Thuyết Manicheanism
Thuyết Manicheanism, có phần tương tự với trí Huệ thuyết, được sáng lập bởi một người tên là Mani hay Manichaeus (216- 277) ở Mesopotamia. Ông phát triển hệ thống triết lý đặc thù của mình vào giữa thế kỹ thứ ba. Mani tổng hợp cách kỳ quặc giữa tư tưởng Cơ đốc giáo, Bái hỏa giáo (Zoroastrianism) và nhiều tư tưởng Đông phương khác nữa, thành một triết lý hoàn toàn nhị nguyên. Mani tin vào hai nguyên tắc đời đời và đối lập. Con người sơ khai có lẽ xuất hiện bởi sự lưu xuất từ một hữu thể, mà đến lượt hữu thể đó là một sự lưu xuất cấp cao từ đấng cai trị của vương quốc sự sáng. Đối lập với vua của sự sáng là vua của sự tối tăm, là người cố gài bẫy con người sơ khai để con người ấy trở thành một hữu thể pha trộn giữa sáng và tối. Linh hồn của con người liên kết con người với vương quốc sự sáng, nhưng chính thân thể lại khiến người làm phu tù cho vương quốc sự tối tăm. Sự cứu rỗi là vấn đề giải phóng sự sáng trong linh hồn người khỏi ách nô lệ cho vật chất của thân xác người. Sự giải phóng nầy được hoàn thành bởi sự phơi bày ra trước Ánh sáng, tức Đấng Christ. Nhóm người ưu tú hay những người trọn lành hợp thành đẵng cấp thầy tế lễ cho nhóm người nầy. Họ sống cuộc đời khổ tu, và hình thành những nghi thức nhất định cần thiết cho việc giải phóng sự sáng. Thính giả hay những người nghe, chia sẻ sự thánh khiết của nhóm người được tuyển chọn nầy bằng cách cung cấp những nhu cầu vật chất cho họ. Nhờ cách đó, người nghe cũng có thể được dự phần vào sự cứu rỗi. Thuyết Manicheanism nhấn mạnh quá nhiều vào nếp sống khổ tu đến nỗi xem bản năng tính dục là xấu xa, và nhấn mạnh tính trổi hơn của tình trạng sống độc thân. Thuyết Manicheanism cũng đã góp phần phát triển trong hội thánh một đẵng cấp thầy tế lễ, tách rời khỏi số tín hữu còn lại, là những ngườ bị xem như hàng giáo dân chưa được kết nạp.
Thuyết Manicheanism có ảnh hưởng lớn suốt một thời gian dài sau khi Mani qua đời tại Persia (Iran). Một nhà tư tưởng lớn như Augustine, trong những năm tìm kiếm chân lý, cũng đã làm môn đồ của phái Manicheanism suốt mười hai năm. Sau khi hoán cải, Augustine bỏ nhiều sức lực để bác lại triết lý nầy trong tác phẩm "Chống lại phái Manicheans".
C. Thuyết Tân Platon (Neoplatonism)
Thông thường, người ta nghĩ chủ nghĩa huyền bí chỉ liên kết với những nhà thần bí thời Trung cổ. Sự thật là đã có những khuynh hướng thần bí trong hội thánh trải các thời đại.
Có thể nghĩ chủ nghĩa huyền bí hiện hữu trong ba hình thức. Có thể đó là thể loại tri thức học của chủ nghĩa huyền bí, qua đó nhấn mạnh đến cách con người biết được Đức Chúa Trời. Những người theo thể loại chủ nghĩa thần bí nầy nghĩ rằng mọi tri thức của chúng ta về Đức Chúa Trời có ngay lập tức, và đến trực tiếp cho chúng ta bởi trực giác, hoặc bởi sự soi sáng thuộc linh. Trong một số trường hợp, lý luận, thậm chí cả Kinh thánh nữa, phải phục dưới ánh sáng bề trong nầy. Hầu hết những nhà thần bí Trung cổ, phái Yên tĩnh của Công giáo La mã (Roman Catholic Quietists) ở thế kỷ mười bảy, và phái Quakers theo quan điểm nầy. Có người nhấn mạnh vào thể loại siêu hình của chủ nghĩa thần bí, trong đó họ xem bản thể thuộc linh của con người được hòa nhập cách huyền bí vào hữu thể thần linh qua những từng trải thỉnh thoảng xảy đến ngay trong đời nầy. Tiếp sau sự tuyệt diệt nhân tánh cách biệt của mình bởi sự chết, tâm linh con người trở thành một phần của hữu thể thần linh. Phái Neoplatonists, một số những nhà thần bí cực đoan hơn của thời Trung cổ, và người theo Phật giáo đi theo loại chủ nghĩa thần bí nầy. Trái ngược lại, Kinh thánh nhấn mạnh thể loại chủ nghĩa thần bí về mặt đạo đức và thuộc linh, cá nhân được liên hệ với Đức Chúa Trời thông qua sự đồng nhất hóa chính mình với Đấng Christ và qua Đức Thánh Linh đang cư ngụ ở trong lòng.
Thuyết Neoplatonism là minh họa phù hợp về thể loại triết lý thần bí theo bản thể học. Thuyết nầy bắt nguồn từ Alexandria, là sáng kiến của Ammonius Saccas (khoảng 174- khoảng 242). Cha mẹ của ông là tín đồ cơ đốc. Origen, giáo phụ hội thánh cơ đốc, và một người nữa, tên là Plotinus, đã học dưới chân Saccas. Plotinus (khoảng 205- 270) bấy giờ trở thành người lãnh đạo thật và đã dạy giáo lý nầy trong một trường học tại Rô-ma vào 25 năm cuối thế kỷ thứ ba. Công trình sáng tác nên tuyên ngôn văn chương của thuyết Neoplatonism được thực hiên bởi Porphory (232- 305), từ những tác phẩm sưu tập lại của Plotinus. Tác phẩm được biên soạn đó—còn lại là Enneads—đã được bảo tồn. Thuyết nầy dạy về chủ nghĩa nhất nguyên siêu hình hơn là dạy nhị nguyên luận.
Phái Neoplatonists nghĩ về Đấng Tuyệt đối là nguồn siêu việt của mọi người, hiện đang có, và mọi loài được dựng nên bởi tiến trình tuôn tràn từ nguồn đó. Sự tuôn tràn hay lưu xuất nầy cuối cùng dẫn đến kết quả là sự dựng nên con người, như một linh hồn và thân thể biết lý luận Mục tiêu của cõi vũ trụ là tái hòa nhập vào bản thể thần linh mà mọi loài ra từ đó. Triết lý góp phần nhiều nhất cho tiến trình nầy khi người ta suy gẫm bằng lý luận, và dùng trực giác huyền bí để tìm biết Đức Chúa Trời và được hòa nhập vào trong Đấng, mà từ Ngài mới ra mọi loài. Từng trải xuất thần chính là tình trạng cao nhất con người được hưởng trong đời nầy. Những ý nầy đã ảnh hưởng đến Augustine.
Hoàng đế Julian, người còn được gọi là "Kẻ Bội đạo", đã đi theo đối thủ nầy của cơ đốc giáo, và trong thời kỳ cai trị ngắn ngủi, từ 361-363, ông đã cố biến nó thành tôn giáo của đế quốc. Augustine đã theo thuyết nầy trong một thời gian ngắn, đương lúc đi tìm chân lý. Rõ ràng, phong trào nầy đã góp phần vào việc làm thăng tiến chủ nghĩa thần bí trong cơ đốc giáo, và đã đem một tôn giáo hấp dẫn thay thế cơ đốc giáo, đến cho những người ngoại giáo không muốn đối mặt với những đòi hỏi cao về mặt đạo đức và thuộc linh của đạo Đấng Christ. Thuyết nầy tàn lụi vào đầu thế kỷ thứ sáu.
III. NHỮNG SAI LẦM VỀ THẦN HỌC
Có những quan điểm nào đó mà ta có thể nghĩ chúng như sự giải thích sai về ý nghĩa của Cơ đốc giáo, những điểm nhấn mạnh quá đáng, hay như những phong trào để phản kháng. Tuy nhiên, chúng đã gây hại cho cơ đốc giáo, và một phần sức lực đáng ra dồn vào công tác truyền giảng thì lại phải đổ dồn vào sự bác bẻ những sai lầm đó. Thuyết Monarchianism và Montanism là ví dụ về hai sai lầm như thế.
A. Thuyết Montanism
Thuyết Montanism xuất hiện nhiều tại Phrygia sau năm 155, như là nỗ lực của Montanus, để giải quyết các nan đề chủ nghĩa hình thức trong hội thánh và tình trạng hội thánh nương nhờ quyền lãnh đạo của con người, thay vì sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Ông mạnh mẽ phản đối việc cất nhắc giám mục lên địa vị nổi bật trong hội thánh địa phương. Nỗ lực nhằm chống chủ nghĩa hình thức và tổ chức con người đã dẫn ông đến chỗ tái khẳng định những giáo lý về sự tái lâm và về Đức Thánh Linh. Không may, cũng giống như chuyện thường xảy ra trong những phong trào như thế, ông đã lao sang thái cực trái ngược, rồi triển khai những sự giải nghĩa sai lầm và cuồng tín về Kinh thánh.
Khi triển khai giáo lý đặc thù về sự cảm thúc, Montanus cho rằng sự cảm thúc thì lập tức và liên tục, và ông chính là đấng yên ủi hay cầu thay để qua ông, Đức Thánh Linh phán với hội thánh cũng như cách Ngài, tức Thánh Linh, đã phán qua Phao-lô và các sứ đồ khác vậy. Montanus cũng có một lai thế học quá đáng. Ông tin nước Thiên đàng của Đấng Christ sẽ nhanh chóng được thiết lập tại Pepuza ở Phrygia, và ông sẽ giữ địa vị nổi bật trong vương quốc đó. Để có thể chuẩn bị cho sự hiện ra ấy, ông và những môn đồ mình đã thực hành chủ nghĩa khổ tu khắc khe. Không được kết hôn lần thứ hai, nếu vợ hoặc chồng qua đời, phải tuân giữ nhiều buổi kiêng ăn, và phải ăn lương khô.
Hội thánh đã phản ứng lại điều quá đáng nầy, bằng cách lên án phong trào. Giáo hội nghị tại Constantinople năm 381 tuyên bố phải xem phái Montanists như là người ngoại đạo. Nhưng Tertullian, một trong những giáo phụ vĩ đại nhất của hội thánh, thấy những giáo lý của nhóm mới nầy thật hấp dẫn, và trở thành một môn đồ phái Montanist. Phong trào mạnh nhất tại Carthage và những xứ ở Đông phương. Phong trào nầy đại diện sự phản kháng luôn tái diễn trong hội thánh, xảy ra khi trong hội thánh có sự máy móc tỉ mỉ quá đáng và thiếu nương cậy Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Phong trào Montanist đã và hiện là lời cảnh cáo cho hội thánh để đừng quên rằng tổ chức của hội thánh và sự trình bày giáo lý của hội thánh không bao giờ được phép tách rời khỏi việc làm thỏa mãn khía cạnh cảm xúc trong bản chất của con người và niềm khao khát của con người muốn tâm linh được tiếp xúc lập tức với Đức Chúa Trời.
B. Thuyết Monarchianism
Nếu Montanus quá sốt sắng trong việc trình bày các giáo lý về Đức Thánh Linh và sự hà hơi, thì có thể phái Monarchians ( Phái Duy nhất thần) đã sai lầm do lòng sốt sắng quá đáng khi nhấn mạnh sự hiệp một của Đức Chúa Trời để chống lại bất kỳ nỗ lực nào xem Đức Chúa Trời như ba ngôi vị riêng biệt. Họ lo khẳng định chủ nghĩa độc thần, nhưng rốt cuộc kết thúc với hình thức cổ của Unitarianism (Duy Nhất Thần luận thuyết), là thuyết phủ nhận thần tánh thực của Đấng Christ. Nan đề của họ ấy là làm sao để liên hệ Đấng Christ với Đức Chúa Trời.
Vào cuối thế kỷ thứ ba, có người tên Paul ở Samosata, làm giám mục ở Antioch. Ngoài chức vụ nầy, ông còn giữ địa vị chính trị quan trọng trong chính quyền của bà Zenobia, hoàng hậu xứ Palmyra. Ông thường bày trò mị dân trong hội thánh Antioch, bằng cách khi giảng cho hội chúng, ông dùng rất nhiều cử điệu dữ dội của cơ thể và yêu cầu vỗ tay, cùng vẩy khăn tay. Thỉnh thoảng ông có một nữ ca đoàn hát những bài thánh ca chúc tụng ông. Vì ông không thừa hưởng gia tài, cũng không kinh doanh, nên có người nghi ngờ nguồn của cải dư dả của ông. Con người tài năng nhưng thiếu nguyên tắc đạo đức nầy, dạy rằng Đấng Christ không phải Thần Linh, nhưng chỉ là một con người tốt lành, nhờ sống công bình và nhờ sự thâm nhập của Logos thiên thượng vào con người Ngài, tại lúc chịu báp têm, nên Christ có được thần tánh và tư cách làm Đấng Cứu thế. Nỗ lực nhằm ủng hộ chủ nghĩa độc thần nầy đã tước mất cơ đốc nhân có một cứu Chúa thiên thượng. Giáo lý do Paul ở Samosata đề ra được gọi là Duy Nhất Thần Động Lực hoặc Duy Nhất Thần dưỡng tử (Dynamic or Adoptionist Manarchianism).
Người đề xướng Duy Nhất Thần Hình Thức (Modal Monarchianism) là Sabellius, là người đã quyết định tránh mọi nguy cơ của tam thần thuyết. Sau năm 200, ông phát biểu giáo lý mang tên mình. Ông dạy về một bộ ba biểu hiện của hình thức, chứ không phải của bản thể. Đức Chúa Trời đã biểu hiện là Đức Chúa Cha trong thời Cựu ước, về sau hiện ra là Đức Chúa Con để cứu chuộc con người, và biểu hiện như là Đức Thánh Linh sau sự sống lại của Đấng Christ. Như vậy, đó không phải là ba ngôi vị trong Đức Chúa Trời, như là ba biểu hiện. Có thể minh họa quan điểm nầy bởi những mối quan hệ mà một người có thể có. Trong mối quan hệ nầy, người ấy là con; trong mối quan hệ kia, là anh, trong mối quan hệ thứ ba, là cha. Trong toàn bộ những mối quan hệ nầy, chỉ có một ngôi vị thực sự. Quan điểm nầy phủ nhận tánh riêng biệt của Đấng Christ. Quan điểm nầy trổi dậy trong hình thức New Issue (Vấn Đề Mới) hay Jesus Only (Chỉ Một Mình Jesus) của giới Ngũ Tuần.
IV. NHỮNG CUỘC LI KHAI GIÁO HỘI:
A. Cuộc Tranh Luận Về Lễ Phục Sinh
Những vụ ly giáo liên quan đến các vấn đề kỷ luật và nghi thức cũng đã phát triển trong hội thánh, vào thời hội thánh còn non trẻ. Cuộc tranh luận về lễ phục sinh xuất hiện vào giữa thế kỷ thứ hai, về vấn đề ngày nào là đúng để cử hành lễ phục sinh. Hội thánh ở Đông phương cho rằng nên cử hành lễ phục sinh vào ngày 14 thánh Nisan, là ngày của lễ vượt qua theo lịch Do Thái, bất kể ngày đó rơi vào ngày nào trong tuần. Năm 155, Polycarp ở Asia phản đối quan điểm nầy của giám mục La mã là Anicetus, vì Anicetus tin nên cử hành lễ phục sinh vào ngày Chúa nhật tiếp theo sau ngày 14 thánh Nisan. Đến năm 190, Victor, giám mục ở Rô-ma, đã dứt phép thông công các hội thánh ở Asia, khi ông chống đối Polycarp ở Ê-phê-sô. Lúc đó, Irenaeus đã quở trách Victor về những tham vọng muốn lên nắm quyền. Những vùng ở phía đông và phía tây giáo hội không thống nhất được ý kiến nào mãi đến Giáo hội nghị Nicaea 325, và lúc đó Giáo hội nghị chấp nhận quan điểm của Tây giáo hội.
B. Thuyết Donatism
Cuộc tranh luận của phái Donatist nổ ra vào khoảng 312 như là hậu quả cơn bắt bớ hội thánh của hoàng đế Diocletian. Phần lớn cuộc tranh luận tập trung tại Bắc Phi. Một người trong hàng giáo phẩm tên là Donatus muốn loại Caecilian ra khỏi chức vụ giám mục thành Carthage, vì Caecilian đã được phong chức bởi Felix. Felix bị kết tội phản bội trong cơn bắt bớ thời Diocletian. Donatus tranh luận rằng việc không đứng vững được trong cơn bắt bớ đã vô hiệu hóa quyền tấn phong của Felix, vì bởi đó, ông đã phạm một tội không thể được tha thứ. Donatus và nhóm của ông chọn Majorinus làm giám mục; và sau khi Majorinus qua đời vào năm 313, Donatus trở thành giám mục. Khi hoàng đế Constantine dâng tiền cho hội thánh Phi Châu. Phái Donatus than phiền vì họ không được nhận. Một hội nghị tổ chức tại Rô-ma đã xác định rằng hiệu lực của thánh lễ không tùy thuộc nơi tính cách của người thi hành thánh lễ. Kể từ đó, phái Donatists không có quyền nhận bất kỳ khoản viện trợ nào. Một hội nghị khác của các giám mục ở phương tây, tổ chức tại Arles năm 314, một lần nữa quyết định chống quan điểm của phái Donatists. Cuộc tranh luận nầy trở thành mối quan tâm của Augustine, và vì mối quan tâm đó, ông viết rất nhiều về vấn đề thẩm quyền của hội thánh. Thẩm quyền nầy cần thiết cho sự cứu rỗi.
Để kết luận, có thể nói những kết quả của các cuộc tranh luận, các sai lầm và các tà thuyết không phải lúc nào cũng mang tính phá hoại. Hội thánh bị buộc phải triển khai một bộ kinh điển có thẩm quyền và phải phát biểu các bài tín điều, chẳng hạn như những qui luật đức tin của Tertullian và Irenaeus, để tóm tắt những sự dạy dỗ thiết yếu của Kinh thánh. Lẽ thiết yếu phải trả lời những thần học sai lầm đã thúc đẩy sự xuất hiện thần học cơ đốc. Địa vị của giám mục đã được củng cố, bởi điểm nhấn mạnh rằng chức vụ của ông, là điểm tập trung để chống tà giáo hay sự sai lầm. Những sự dạy dỗ sai lầm đã xuất hiện thông qua những nỗ lực của những con người đầy tham vọng, nhằm khẳng định uy quyền của họ, qua sự nhấn mạnh quá đáng, rồi dẫn đến sự giải nghĩa sai về những khúc Kinh thánh nhất định, và qua cách đối xử thiếu yêu thương của hội thánh, đối cùng thiểu số mắc sai lầm. Nhưng rốt cuộc điều nầy không làm suy yếu hội thánh; trái lại, chúng buộc hội thánh phải suy nghĩ cẩn thận đến niềm tin của mình và phát triển tổ chức.
Nguồn từ tác giả- Minh Khải.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét